“Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB), tỉnh Quảng Bình là một trong những mẫu hình riêng biệt, đẹp nhất ở Việt Nam và thế giới. Hiện hữu trên những khối núi đá vôi rộng lớn này là các quần thể động, thực vật đa dạng, quý hiếm. Những giá trị ngoại hạng về địa chất, địa mạo, cảnh quan, sinh thái đã tạo nên một PN-KB duy nhất, khác biệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là với ngành Du lịch tỉnh Quảng Bình…”, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) VQG PN-KB cho biết.
Điển hình về đa dạng sinh học…
VQG PN-KB nằm trong vùng sinh thái Bắc Trường Sơn thuộc vùng sinh địa Indo-Malaya, là 1 trong 200 vùng sinh thái quan trọng của thế giới. Đặc điểm về địa lý, địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn đã tạo cho PN-KB 15 kiểu sinh cảnh rộng lớn với 21 kiểu thảm thực vật quan trọng.
Ông Võ Văn Trí, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, BQL VQG PN-KB có nhiều năm nghiên cứu về tính đa dạng sinh học ở PN-KB khái quát với chúng tôi rằng: “Với tổng diện tích rừng là 123.326ha, trên 90% diện tích rừng ở VQG PN-KB là hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi điển hình hiếm có còn sót lại và hầu hết chưa bị tác động. PN-KB có độ che phủ và tỷ lệ rừng nguyên sinh lớn nhất trong hệ thống các rừng đặc dụng ở Việt Nam. Nơi đó, chứa đựng tính đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên, bao gồm: Các hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, hệ sinh thái rừng trên núi đất và vùng chuyển tiếp, hệ sinh thái sông suối, hệ sinh thái hang động và các hệ sinh thái thứ sinh…”.
“VQG PN-KB có sự hiện hữu 2.952 loài thực vật thuộc 1.006 chi, 198 họ, 62 bộ, 11 lớp, 6 ngành và 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 66 bộ, 12 lớp, 4 ngành. Đặc biệt, sự tồn tại quần thể Bách xanh đá 500 tuổi, diện tích khoảng 5.000ha được xem là sinh cảnh rừng độc đáo nhất bởi tầm quan trọng toàn cầu và giá trị bảo tồn…”, ông Trí chia sẻ.
Ở VQG PN-KB, sự đa dạng về sinh cảnh núi đá vôi, hang động, núi đất là điều kiện lý tưởng về sinh cảnh cho 10 loài linh trưởng, chiếm 50% tổng số loài thuộc bộ linh trưởng ở Việt Nam sinh sống. Trong 20 năm qua, PN-KB có 42 loài mới đã lần lượt được ghi nhận và công bố trên toàn thế giới. Trong đó, có 38 loài động vật và 4 loài thực vật.
Sự phong phú, đa dạng về thành phần, chủng loại động, thực vật quý hiếm ở PN-KB là kết quả tất yếu của điều kiện sinh cảnh và là đặc trưng tiêu biểu về sinh thái rừng tại đây. PN-KB còn là nơi giao thoa của 2 luồng thực vật từ phía Bắc và Nam, đây là ranh giới tận cùng phía Nam của một số loài thực vật phía Bắc, như: Nghiến, chò nước, chò nâu, cây rẫm… và cũng là ranh giới tận cùng phía Bắc của một số loài thực vật phía Nam, như: Dầu ke, dầu đọt tím, xoay… Mặt khác, do địa hình khối núi đá vôi tương đối độc lập nên PN-KB còn là trung tâm phân bố của 419 loài thực vật đặc hữu của Việt Nam, trong đó có 28 loài lan…
“Trái tim” du lịch Quảng Bình
Sự có mặt của VQG PN-KB trong bản đồ di sản thế giới đã mở ra cho tỉnh Quảng Bình một hướng phát triển mới, đó là, vừa bảo vệ, bảo tồn vừa phát huy giá trị tài nguyên để phát triển du lịch nhằm đưa PN-KB trở thành thương hiệu của Quảng Bình, Việt Nam và vươn tầm thế giới.
Giám đốc BQL VQG PN-KB Phạm Hồng Thái chia sẻ, những đặc điểm địa chất, địa mạo, khí hậu và sinh thái nơi đây đã tạo ra các cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà tiêu biểu là hệ thống hang động kỳ bí, hùng vĩ. PN-KB được mệnh danh là “Vương quốc hang động” với 404 hang động đã được khảo sát và đo vẽ, có tổng chiều dài ước tính gần 231km. Nổi bật nhất là việc khám phá Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới, có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu thám hiểm hang động ở khu vực, đóng góp hết sức to lớn trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam, Quảng Bình và PN-KB trên khắp thế giới…
“VQG PN-KB có tiềm năng lớn để phát triển du lịch hang động, du lịch sinh thái và việc phát triển đó phải hài hòa giữa các lợi ích, kinh tế, môi trường, xã hội. Giá trị cốt lõi của VQG PN-KB không chỉ ở quy mô Quảng Bình, Việt Nam mà mang tầm toàn cầu.…”,
Giám đốc BQL VQG PN-KB Phạm Hồng Thái cho biết.
|
“Những năm qua, BQL Vườn luôn chú trọng việc theo dõi, đánh giá mức độ tác động, ảnh hưởng của các hoạt động du lịch lên các hang động để có hướng bảo tồn phù hợp; tích cực hợp tác với các đơn vị nghiên cứu về địa chất, các yếu tố môi trường hang động nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý, bảo tồn và phát triển du lịch…”, Giám đốc BQL VQG PN-KB cho biết.
Được xem là “trái tim” của du lịch Quảng Bình, nhiều năm qua, du lịch ở PN-KB đã có những bước phát triển đáng kể, trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá, các sản phẩm du lịch từng bước được đa dạng hóa. Thực tế đã chứng minh, PN-KB là điểm được du khách đến ngày càng nhiều hơn với hơn 9 triệu lượt khách, doanh thu từ phí và lệ phí đạt trên 1.434 tỷ đồng (2001-2021).
“Hiện nay, VQG PN-KB đã có 15 tuyến, điểm du lịch đi vào hoạt động với các sản phẩm du lịch, như: Khám phá hang động, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh, khám phá thiên nhiên, Camping, Tracking, Zipline… Đặc biệt, tuyến du lịch khám phá “Chinh phục Sơn Đoòng-Hang động lớn nhất thế giới” được đánh giá là một trong những tour du lịch đẳng cấp quốc tế. Hang Sơn Đoòng được báo chí nước ngoài bình chọn là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của thế giới…”, ông Hoàng Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Du lịch PN-KB chia sẻ.
Du lịch ở PN-KB không chỉ góp phần phát triển kinh tế cho tỉnh Quảng Bình mà còn là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn di sản, giảm áp lực lên tài nguyên, tạo ra xu hướng chuyển lao động trước đây khai thác tài nguyên thiên nhiên sang phát triển du lịch. Hơn 3.000 người dân vùng đệm tham gia vào các hoạt động dịch vụ, như: Ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí, sản xuất hàng lưu niệm; tham gia các tổ bảo vệ rừng, nhóm bảo tồn thôn, bản, hướng dẫn viên du lịch, porter, đội thuyền phục vụ khách du lịch, nhân viên chụp ảnh…
Theo: Ngọc Hải