Ngày 24/7/2017 UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt Quy hoạch phân khu Đô thị du lịch Phong Nha, tỷ lệ 1/2.000 tại Quyết định số 2608/QĐ-UBND, với những nội dung chính như sau:
- 1. Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch.
Khu vực lập quy hoạch thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, phạm vi ranh giới như sau:
– Phía Đông Bắc giáp đường Hồ Chí Minh và dân cư.
– Phía Tây Nam giáp đồi núi.
– Phía Tây Bắc giáp đồi núi.
– Phía Đông nam giáp dân cư và đồi núi.
- 2. Quy mô đất đai: Khu vực lập quy hoạch có diện tích 1.637 ha.
- 3. Tính chất của khu vực lập quy hoạch.
– Là khu đô thị du lịch, trung tâm dịch vụ du lịch Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng.
– Là khu thị trấn huyện lỵ; trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ, du lịch của huyện Bố Trạch trong tương lai.
– Là vùng đệm quan trọng góp phần tăng cường bảo vệ di sản thiên nhiên.
- Mục tiêu.
– Cụ thể hóa các định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Làm cơ sở pháp lý để triển khai lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, dự án đầu tư xây dựng, kế hoạch đầu tư theo từng giai đoạn, quản lý xây dựng, kiểm soát phát triển theo quy hoạch và thành lập Đô thị du lịch Phong Nha trong tương lai.
– Xây dựng và phát triển Đô thị du lịch Phong Nha đồng bộ về mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tổ chức không gian đô thị đảm bảo phát triển bền vững; khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế về phát triển dịch vụ du lịch, phát triển kinh tế – xã hội của Đô thị du lịch Phong Nha nói riêng và Vườn quốc gia nói chung.
– Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ công tác bảo tồn và phát triển du lịch Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng. Góp phần bảo vệ di sản thiên nhiên, phát huy tích cực tăng trưởng du lịch và tạo nên vùng cảnh quan đô thị du lịch hấp dẫn tại cửa ngõ của Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng.
- Quy mô dân số:Khu vực quy hoạch phục vụ cho khoảng 25.000 người.
- Phân khu chức năng.
Khu vực lập quy hoạch bao gồm 07 khu chức năng chính như sau:
- a) Phân khu 1: Nằm phía bờ Bắc sông Son, thuộc thôn Xuân Sơn; diện tích 313,47 ha; quy mô dân số: 10.755 người.
– Định hướng chính: Là trung tâm hành chính huyện.
– Khu cơ quan hành chính huyện bố trí dọc tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, nơi có thế đất tốt, cao ráo, kết nối giao thông thuận lợi.
– Khu công cộng, thương mại dịch vụ cấp đô thị quy hoạch dọc 02 tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và trục 32m đi qua khu trung tâm hành chính. Đây là các khu công cộng dịch vụ thương mại không chỉ phục vụ cho dân cư trong khu vực mà cả các khu vực lân cận trong vùng huyện Bố Trạch.
– Khu du lịch quy hoạch phía Đông khu trung tâm hành chính, với mật độ thấp, hài hòa với cảnh quan tự nhiên ven sông Son.
– Dọc bờ Bắc sông Son, quy hoạch chuỗi công viên đô thị, công viên di tích phà Xuân Sơn, chợ du lịch kết hợp với hệ thống bến thuyền nhằm khai thác tối đa cảnh quan, mặt nước phục vụ phát triển đô thị và du lịch.
– Dân cư gồm 3 khu chính: 01 khu dân cư xây mới bố trí tại phía Tây Bắc khu vực lập quy hoạch, gắn với trung tâm hành chính Huyện; 01 khu dân cư hiện trạng cải tạo thôn Xuân Sơn; 01 khu dân cư xây mới gắn với không gian cảnh quan bờ Bắc sông Son.
- b) Phân khu 2: Nằm phía bờ Bắc sông Son, thuộc thôn Na, thôn Trằm; diện tích 189,77 ha; quy mô dân số: 1.689 người.
– Định hướng chính: Là khu dân cư hiện trạng cải tạo, kết hợp dịch vụ du lịch.
– Cải tạo, chỉnh trang khu dân cư hiện hữu, bổ sung các công trình hạ tầng xã hội nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân.
– Dọc tuyến đường ven sông Son, quy hoạch các điểm du lịch quy mô vừa và nhỏ khai thác yếu tố văn hóa, điều kiện tự nhiên phát triển dịch vụ du lịch.
– Duy trì, bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp, núi, cây xanh cảnh quan trong khu vực, phát triển các mô hình du lịch cắm trại, thăm quan, khám phá, tìm hiểu hệ sinh thái.
- c) Phân khu 3: Nằm phía Nam sông Son, thuộc thôn Xuân Tiến, thôn Hà Lời, thôn Phong Nha; diện tích 281,21 ha; quy mô dân số: 10.650 người.
– Định hướng chính: Là khu đô thị, du lịch.
– Khu công cộng, dịch vụ, hỗn hợp được bố trí hai bên trục đường 32m, qua trung tâm tâm khu vực. Tại đây, khuyến khích ưu tiên các chức năng dịch vụ du lịch tạo nên sự sống động, sầm uất cho toàn khu.
– Cải tạo, chỉnh trang khu dân cư hiện hữu thôn Xuân Tiến, thôn Hà Lời, thôn Phong Nha. Xây dựng khu dân cư mới tại phía Bắc thôn Phong Nha với mô hình nhà vườn mật độ thấp.
– Xây dựng các trụ sở cơ quan cấp thị trấn trên cơ sở cải tạo, mở rộng các công trình cơ quan hiện hữu của xã Sơn Trạch.
– Các điểm dịch vụ thương mại được bố trí tại điểm giao cắt giữa tuyến đường Hồ Chí Minh và trục đường 32m đi vào trung tâm khu đô thị du lịch.
- d) Phân khu 4: Nằm phía Nam sông Son, thuộc thôn Phong Nha; diện tích 135,71 ha.
– Định hướng chính: Là trung tâm du lịch cao cấp.
– Quy hoạch không gian cảnh quan hồ Gia Phái thành khu trung tâm du lịch sự kiện.
– Các khu du lịch được quy hoạch xung quanh hồ Gia Phái với mật độ xây dựng thấp, gắn kết hài hòa với không gian mặt nước.
– Quy hoạch đất hỗn hợp dọc tuyến đường từ bến thuyền du lịch tại thôn Phong Nha kết nối với hồ Gia Phái.
- e) Phân khu 5: Nằm phía Nam sông Son, thuộc thôn Xuân Tiến, thôn Hà Lời, thôn Cù Lạc; diện tích 294,77 ha.
– Định hướng chính: Công viên sinh thái
– Quy hoạch không gian xung quanh núi Bến Đập thành một công viên lớn giữa lòng đô thị du lịch Phong Nha, nơi phục vụ các hoạt động du lịch mang tính chất công đồng.
– Mở rộng suối Hà Lời, khơi thông một số tuyến kênh mương hiện hữu để tạo cảnh quan tự nhiên cũng như tăng cường khả năng thoát lũ.
– Duy trì, bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp, núi, cây xanh cảnh quan trong khu vực phát triển các mô hình du lịch cắm trại, thăm quan, khám phá, tìm hiểu hệ sinh thái.
- g) Phân khu 6: Nằm phía Nam sông Son, thuộc thôn Xuân Tiến, thôn Hà Lời, thôn Cù Lạc; diện tích 287,26 ha; quy mô dân số: 778 người.
– Định hướng chính: Khu dân cư hiện trạng cải tạo kết hợp du lịch sinh thái, khu dịch vụ du lịch.
– Xây dựng khu du lịch sinh thái phía Đông hồ Gia Phái. Khuyến khích xây dựng các mô hình công viên như: công viên vườn ươm, vườn thực vật…là sản phẩm du lịch hấp dẫn nhằm quảng bá tính đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Phong Nha.
– Cải tạo, chỉnh trang khu dân cư hiện hữu thôn Mé.
– Duy trì, bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp, cây xanh cảnh quan của khu vực.
- f) Phân khu 7: Nằm phía Đông Nam khu vực lập quy hoạch, thuộc thôn Cù Lạc, thôn Phong Nha; diện tích 134,81 ha; quy mô dân số: 1.176 người.
– Định hướng chính: Khu dân cư hiện trạng cải tạo kết hợp du lịch sinh thái
– Cải tạo, chỉnh trang khu dân cư hiện hữu thôn Cù Lạc.
– Xây dựng các điểm du lịch sinh thái trên núi khai thác cảnh quan và điểm nhìn đẹp hồ Gia Phái tại phía Đông Nam thôn Phong Nha.
7. Quy hoạch sử dụng đất (Có bảng đính kèm)
8. Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan.
a) Tổ chức không gian khu hành chính:
– Các công trình hành chính huyện bố trí dọc hai bên tuyến đường Hồ Chí Minh bao gồm Ủy ban nhân dân huyện, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, huyện đội, công an, toà án và các cơ quan liên quan.
– Các công trình hành chính bố cục dạng “đăng – đối” tạo sự rõ ràng mạch lạc, phía Bắc tựa vào núi, phía Nam nhìn ra không gian hồ công viên trung tâm đô thị. Hệ thống công trình ngoài việc đảm bảo yêu cầu chức năng sử dụng, khuyến khích hợp khối các cơ quan tạo thành các công trình quy mô lớn góp phần tạo cảnh quan đô thị hiện đại phía Bắc sông Son.
b) Tổ chức không gian các khu dân cư:
– Đối với khu dân cư hiện trạng các thôn Xuân Sơn, Xuân Tiến, Hà Lời, Na, Trằm, Mé, Cù Lạc, chủ yếu vẫn giữ nguyên cấu trúc cũ, cải tạo xen cấy thêm nhà, nâng cao chất lượng ở cho người dân.
– Các khu nhà ở mới bố trí tiếp cận dễ dàng với trục đường chính và có hướng mở ra các vườn hoa, dải cây xanh. Các không gian được tổ chức tạo thành từng nhóm nhà ở có hạt nhân là các công trình dịch vụ công cộng, cây xanh. Kết nối các khu ở là các dải cây xanh, tạo nên một khung xanh mềm liên kết uyển chuyển các không gian.
– Các tuyến phố nhà ở liền kề thiết kế đồng bộ, với mặt đứng, tỷ lệ hình khối hài hòa tạo nên những dãy nhà kế cận các tuyến giao thông liên hoàn, tạo không gian theo tuyến vừa tạo được không khí sầm uất của khu đô thị mới.
– Các khu ở nhà vườn bố trí tại phía Bắc thôn Phong Nha, tạo thành từng nhóm phù hợp điều kiện tự nhiên và đặc trưng sinh hoạt của dân bản địa. Kiến trúc công trình theo hướng sinh thái, thân thiện với môi trường.
– Các công trình trường học, nhà văn hóa, các không gian sinh hoạt cộng đồng bố trí khu vực có cảnh quan đẹp, thoáng rộng và nhiều cây xanh đồng thời đảm bảo bán kính phục vụ ngắn nhất. Các công trình công cộng được bố trí để tạo nên các điểm nhấn không gian cho toàn khu ở. Công trình xây mới cần có khối tích và hình thức hài hòa với cảnh quan đồng thời tạo ra những không gian công cộng linh hoạt.
c) Tổ chức không gian khu du lịch:
– Các điểm, khu du lịch bố trí tại những khu vực đặc biệt có lợi thế cảnh quan thiên nhiên đẹp như: dọc hai bên bờ sông Son, xung quanh núi Bến Đập hồ Gia Phái và khai thác một số địa điểm đẹp trên núi cao trong khu vực lập quy hoạch. Mặt khác, bố trí các điểm du lịch dọc tuyến đường 32m đi vào trung tâm đô thị Phong Nha và các điểm du lịch gắn với đời sống văn hóa bản địa tạo nên sự phong phú hấp dẫn cho toàn khu vực.
– Không gian du lịch quy hoạch linh hoạt, uyển chuyển dựa trên khung tự nhiên của từng khu vực. Các công trình bố cục hợp lý theo từng khu chức năng và đảm bảo tạo ra các hướng nhìn tốt ra phía không gian mở như sông Son, hồ Gia Phái, vùng sinh thái quanh núi Bến Đập.
– Các công trình du lịch xây dựng với mật độ, tầng cao thấp, nhiều khoảng không gian xanh tạo nên sự hài hòa với cảnh quan tự nhiên toàn khu vực. Kết nối các khu chức năng trong khu du lịch là các dải cây xanh, mặt nước tạo nên một khung xanh mềm liên kết uyển chuyển các không gian.
d) Tổ chức không gian các khu công cộng,dịch vụ thương mại, hỗn hợp.
– Hệ thống các công trình công cộng, dịch vụ thương mại, công trình có chức năng hỗn hợp bố trí theo các tuyến và cụm điểm.
– Cụm công trình dịch vụ thương mại, công cộng cấp đô thị bố trí dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, các điểm giao cắt giữa trục chính đô thị và tuyến Hồ Chí Minh. Các công trình công cộng, thương mại quy hoạch tập trung tại khu trung tâm hành chính huyện trên cơ sở khai thác lợi thế về quỹ đất, kết nối thuận lợi với tuyến giao thông đối ngoại tạo nên bộ mặt khu đô thị hiện đại phía Nam sông Son. Công trình hỗn hợp bố trí dọc tuyến đường 32m từ thôn Xuân Tiến đến thôn Phong Nha với tính chất đa chức năng tạo nên phố du lịch sầm uất dọc hai bên.
– Hệ thống các công trình thiết kế với kiến trúc hiện đại, bố cục chặt chẽ tạo điểm nhấn cảnh quan và diện mạo đô thị cho toàn khu vực.
e) Tổ chức không gian hệ thống cây xanh thể dục thể thao và mặt nước.
– Tận dụng điều kiện địa hình tạo nên hệ thống không gian mở đa dạng với sông, suối, hồ tự nhiên, đồi núi, nông lâm nghiệp đan xen, hấp dẫn.
– Dọc sông Son xây dựng hệ thống các công viên du lịch kết hợp với bến thuyền du lịch tạo thêm một vùng không gian xanh hấp dẫn phía ven sông phục vụ các hoạt động nghỉ ngơi, vui chơi của cộng đồng dân cư và khách du lịch.
– Cây xanh vườn hoa trong nhóm nhà ở, bố trí trong lõi các khu ở tạo nơi nghỉ ngơi vui chơi phục vụ cộng đồng, đồng thời giúp tạo không gian mở và điều hòa vi khí hậu trong khu vực. Quy hoạch các điểm thể dục thể thao kết hợp với công viên cây xanh tại vị trị trung tâm của đô thị để đáp ứng nhu cầu hoạt động thể thao của cộng đồng.
– Hệ thống cây xanh trong các khu chức năng kết hợp với cảnh quan đồi núi, sông suối…tự nhiên tạo nên hệ thống cây xanh liên hoàn, uyển chuyển trên toàn khu vực.
f) Mật độ xây dựng, tầng cao xây dựng, chỉ giới xây dựng.
– Công trình công cộng cấp đô thị, dịch vụ thương mại: mật độ xây dựng tối đa 40%; tầng cao xây dựng tối đa từ 3-7 tầng tùy từng khu vực; chỉ giới xây dựng lùi tối thiểu 5m so với chỉ giới đường đỏ.
– Công trình cơ quan hành chính: Cơ quan hành chính cấp huyện thuộc Phân khu 1 mật độ xây dựng tối đa 30%; tầng cao xây dựng tối đa 7 tầng; cơ quan hành chính cấp thị trấn thuộc Phân khu 2 mật độ xây dựng tối đa 45%; tầng cao xây dựng tối đa 3 tầng; chỉ giới xây dựng lùi tối thiểu 5m so với chỉ giới đường đỏ.
– Công trình hỗn hợp: Là công trình đa chức năng, ưu tiên các chức năng phục vụ du lịch. Công trình hỗn hợp thuộc Phân khu 1 mật độ xây dựng tối đa 40%; tầng cao xây dựng tối đa 7 tầng. Công trình hỗn hợp thuộc Phân khu 3, Phân khu 4 mật độ xây dựng tối đa 75%; tầng cao xây dựng tối đa từ 3-5 tầng tùy từng khu vực.
– Công trình dịch vụ du lịch: Là nơi phục vụ đa dạng các loại hình du lịch của đô thị Phong Nha. Công trình dịch vụ du lịch mật độ xây dựng tối đa 30%; tầng cao xây dựng tối đa 3 tầng; chỉ giới xây dựng lùi tối thiểu 5m so với chỉ giới đường đỏ.
– Công trình giáo dục đào tạo: mật độ xây dựng tối đa 30%; tầng cao xây dựng tối đa 3 tầng; chỉ giới xây dựng lùi tối thiểu 5m so với chỉ giới đường đỏ.
– Công trình công cộng cấp khu ở: Gồm các công trình hạ tầng xã hội phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân trong khu ở như trường học, điểm dịch vụ, công viên cây xanh thể dục thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng… mật độ xây dựng tối đa 40%; tầng cao xây dựng tối đa 3 tầng; chỉ giới xây dựng lùi tối thiểu 5m so với chỉ giới đường đỏ.
– Nhà ở mới: gồm các loại hình nhà ở liền kề, nhà ở biệt thự và nhà vườn. Nhà ở xây mới mật độ xây dựng tối đa 75%, tầng cao xây dựng tối đa từ 3- 5 tầng tùy từng khu vực.
– Nhà ở hiện trạng cải tạo: chỉnh trang khu ở dựa trên cấu trúc cũ, cải tạo xen cấy thêm nhà. Mật độ xây dựng tối đa 75%; tầng cao xây dựng tối đa từ 2-5 tầng tùy từng khu vực.
– Khu cây xanh công viên, thể dục thể thao: mật độ xây dựng tối đa 5-10%; tầng cao xây dựng 1 tầng.
– Khu cây xanh cách ly, khu lâm viên, đồi rừng: là khu vực không xây dựng.
9. Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
9.1. Quy hoạch san nền và thoát nước mưa:
a) San nền: Do đặc điểm của các yếu tố địa hình, điều kiện tự nhiên, khu vực lập quy hoạch san nền cục bộ theo từng khu chức năng. Cao độ nền xây dựng khống chế tối thiểu toàn khu vực Hxd ≥ 5,0m. Cụ thể sau :
– Khu phía Bắc sông Son: Khu trung tâm hành chính cao độ xây dựng từ +9,5m đến +11,5m; khu dân dụng cao độ xây dựng từ +5,0m đến +12,5m; khu công viên cây xanh cao độ ≥4,2m. Các khu vực dân cư hiện trạng cơ bản giữ nguyên cao độ hiện hữu, khi cải tạo, chỉnh trang và xây dựng xen cấy cần khống chế cao độ phù hợp với cao độ xây dựng xung quanh.
– Khu phía Nam sông Son: Khu vực hiện hữu giữ nguyên cao độ, khi xây dựng xen cấy phải phù hợp với cao độ hiện trạng và vuốt nối phù hợp với cao độ các khu vực xây dựng mới lân cận. Các khu dân dụng cao độ xây dựng từ +5,0m đến + 7,5m; khu du lịch cao độ xây dựng từ +5,0m đến +7,0m; khu công viên cây xanh cao độ từ +4,2m đến +5,0m.
– Các khu vực khác có địa hình cao, chỉ cần san gạt cục bộ tạo mặt phẳng để xây dựng công trình. Các khu vực dân cư hiện trạng tại các thôn cơ bản giữ nguyên cao độ xây dựng, khi xây dựng xen cấy phải phù hợp với cao độ xây dựng xung quanh.
b) Thoát nước mặt:
– Mạng lưới: Phân tán theo từng lưu vực nhỏ.
– Hướng thoát nước chính: ra suối Hà Lời và sông Son.
– Khu vực quy hoạch được chia làm 05 lưu vực thoát nước chính:
+ Lưu vực 1: Khu vực phía Bắc sông Son thoát ra sông Son.
+ Lưu vực 2: Khu vực phía Nam sông Son thoát ra sông Son và sông Hà Lời.
+ Lưu vực 3: Khu vực phía Đông Nam khu vực quy hoạch thoát qua cống ở đường HCM.
+ Lưu vực 4: Khu vực phía Tây Nam khu vực quy hoạch thoát trực tiếp ra sông Son.
+ Lưu vực 5: Khu vực phía Tây Nam khu vực quy hoạch thoát trực tiếp ra sông Son.
– Kết cấu: Dùng hệ thống cống, hố thu, hố ga bằng bê tông cốt thép.
c) Giải pháp chống lũ và hạn chế lũ:
– Hạn chế xây dựng công trình dân dụng mật độ cao ven theo dọc sông suối và phải có khoảng cách ly từ 15-25m trở lên mỗi bên. Các công trình phải được xây dựng kiên cố, nhà 2 tầng mới đảm bảo sinh hoạt trong mùa mưa lũ.
– Để đảm bảo thoát nước cho toàn khu vực về mùa mưa cần phải nạo vét sông, khe suối đảm bảo cho dòng chảy được lưu thông. Kè chắn các khu vực sông, suối có nguy cơ bị sạt lở gây cản trở thoát lũ.
9.2. Quy hoạch giao thông:
a) Mạng lưới đường:
* Đường đối ngoại: Tuyến đường Hồ Chí Minh hiện trạng, đây là tuyến đường kết nối khu đô thị du lịch Phong Nha với các đô thị khác của tỉnh. Xây dựng 02 tuyến đường gom hai bên tuyến đường này đảm bảo an toàn và thuận lợi kết nối giao thông đối ngoại và giao thông đô thị, bề rộng đường mỗi bên là 13,5m.
* Đường nội bộ:
– Đường trục chính đô thị: Tuyến đường có mặt cắt rộng 32m, điểm đầu từ nút giao với đường Hồ Chí Minh tại góc phía Bắc của khu vực quy hoạch, kết nối Khu trung tâm hành chính ở phía Bắc sông Son với khu vực phía Nam sông Son, điểm cuối tại nút giao cắt với đường 20 Quyết Thắng thôn Phong Nha.
– Đường vành đai: Tuyến phía Đông và Đông Nam khu vực lập quy hoạch mặt cắt đường rộng 20,5m, kết nối trung tâm du lịch Phong Nha với đường Hồ Chí Minh. Tuyến được nâng cấp, cải tạo trên nền đường 20 Quyết Thắng và đường liên thôn Cù Lạc kết nối với đường Hồ Chí Minh.
– Đường chính khu vực: Các tuyến đường được quy hoạch phù hợp tùy thuộc vào tính chất, chức năng của từng phân khu trong đô thị du lịch Phong Nha. Mặt cắt ngang đường từ 20,5m – 67m.
– Đường khu vực: Các tuyến đường kết nối nhóm đơn vị ở, các cụm đơn vị chức năng với đường chính khu vực, tùy tính chất của từng tuyến. Mặt cắt ngang đường từ 17,5m – 20,5m.
– Đường phân khu vực: bao gồm tuyến đường gom dọc đường Hồ Chí Minh và hệ thống giao thông cấp nội bộ. Mạng lưới giao thông phân khu vực được thiết kế với bước đường 150m – 250m. Đảm bảo kết nối trực đến từng nhóm đơn vị ở, từng công trình chức năng.
* Đường thủy:
– Nâng cấp bến thuyền du lịch Phong Nha và bến thuyền vào động Phong Nha hiện hữu để đảm bảo nhu cầu vận chuyển khách du lịch.
– Nâng cấp 03 bến thuyền hiện hữu tại thôn Mé, thôn Trằm, thôn Phong Nha kết hợp hoạt động dân sinh và phát triển du lịch.
– Xây dựng mới 02 bến thuyền du lịch gồm: 01 bến tại bờ Bắc sông Son, thuộc phân khu 1, 01 bến tại bờ Nam thuộc Phân khu số 3, nhằm khai thác hiệu quả các tuyến, điểm du lịch dọc sông Son.
b) Công trình giao thông:
– Xây dựng mới 01 bến xe đối ngoại tại khu vực Trung tâm hành chính (Phân khu 1) thuộc bờ Bắc sông Son, quy mô bến loại 2, diện tích khoảng 2ha, đáp ứng vận tải hành khách liên huyện, liên tỉnh.
– Bãi đỗ xe: Xây dựng mới 9 bãi đỗ xe tập trung, tổng diện tích 7,04ha.
– Duy tu, bảo dưỡng cầu Xuân Sơn trên đường Hồ Chí Minh, đảm bảo an toàn giao thông. Xây dưng mới 03 cầu bắc qua sông Son, nhằm tăng cường kết nối và đảm bảo lưu thông thông suốt hai bên bờ sông Son gồm: cầu số 1 thuộc Phân khu 1 và 3; cầu số 2 thuộc phân khu 2 và 3; cầu số 3 thuộc Phân khu 2 và 6, thay thế cầu treo hiện hữu.
9.3. Quy hoạch cấp điện:
a) Nhu cầu: Tổng phụ tải khu vực khoảng 30.079kW, tương đương 35.387kVA.
b) Nguồn điện: Nguồn điện được lấy từ trạm 110kV Phong Nha thông qua tuyến 22kV mạch kép chạy dọc theo tuyến đường vào trung tâm du lịch Phong Nha. Trạm 110kV Phong Nha nằm sát ranh giới quy hoạch.
c) Lưới điện: Cải tạo nâng cấp tuyến 10kV hiện hữu thành tuyến 22kV mạch kép tạo thành mạch vòng cấp điện cho toàn bộ khu đô thị Du lịch Phong Nha, cụ thể như sau:
– Tuyến 01: Xây dựng tuyến 22kV xây mới từ trạm 110kV Phong Nha cấp điện cho các phụ tải phân khu PK-3, PK-4, PK-7, đi nổi trên cột bê tông ly tâm, sử dụng cáp bọc tiết diện AC-240.
– Tuyến 02: Cải tạo tuyến điện 10kV hiện hữu thành tuyến điện 22kV để cung cấp điện cho các phụ tải phân khu PK-1, PK-3, PK-6, đi nổi trên cột bê tông ly tâm, sử dụng cáp bọc tiết diện AC-240.
d) Trạm và lưới hạ thế:
– Bố trí các trạm hạ áp 22/0,4kV tại khu vực cây xanh, đất công cộng để cấp điện cho các khu chức năng và chiếu sáng đô thị.
– Hệ thống lưới hạ thế sử dụng cấp điện áp 380/220V ba pha bốn dây trung tính nối đất trực tiếp. Lưới hạ thế khu vực đi nổi trên cột bê tông ly tâm, sử dụng cáp bọc tiết diện AC-95, AC-70.
– Bán kính lưới hạ thế không quá 300m trong đô thị, nhằm tránh độ sụt áp cuối đường dây.
e) Chiếu sáng giao thông và cảnh quan đô thị:
– Quy hoạch xây dựng mới hệ thống chiếu sáng đồng bộ với hệ thống đường giao thông, đạt tiêu chuẩn cho các tuyến đường giao thông.
– Xây dựng hệ thống điều khiển chiếu sáng tập trung cho toàn khu. Ưu tiên lựa chọn giải pháp điều khiển – giám sát chiếu sáng đến từng đèn nhằm tối ưu hóa vận hành.
– Đối với cổng chính của khu cửa ngõ, nút giao thông với đường Hồ Chí Minh, sử dụng hiệu quả các phương thức chiếu sáng tạo điểm nhấn về đêm.
– Khu trung tâm thể thao, cây xanh công viên, công cộng: Sử dụng nhiều hình thức chiếu sáng khác nhau, phối hợp màu sắc giữa chiếu sáng đường và chiếu sáng công trình, cảnh quan nhằm nêu bật giá trị công trình.
9.4. Quy hoạch cấp nước:
a) Nguồn nước: Cải tạo và nâng công suất trạm cấp nước Phong Nha đạt đến 8.000m3/ngđ cấp nước phục vụ cho đô thị Phong Nha và khu vực Phúc Trạch. Diện tích xây dựng trạm cấp nước 1ha, tại thôn Phong Nha, gần Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha.
b) Hệ thống đường ống:
– Mạng lưới đường ống cấp nước chính là mạng lưới dạng vòng kích thước đường ống từ F100mm đến F400mm.
– Các tuyến phân phối thiết kế dạng nhánh đến các khu đất, kích thước đường ống F50mm đến F100mm.
– Mạng lưới đường ống phân phối sử dụng ống HDPE hoặc PVC.
– Đường ống đi ngầm theo vỉa hè các tuyến đường. Độ sâu chôn ống tối thiểu 0,7m. Đường ống đi qua đường giao thông chôn sâu tối thiểu 1,0m (tính đến đỉnh ống).
– Các họng cứu hỏa bố trí trên các đường ống cấp nước chính, khoảng cách tối đa giữa các họng cứu hỏa là 150m.
– Họng chữa cháy được bố trí ở nơi thuận tiện cho việc lấy nước chữa cháy như: ở vĩa hè các tuyến đường chính và ở ngã ba, ngã tư đường phố.
9.5. Quy hoạch thông tin liên lạc:
a) Mạng điện thoại
– Nhu cầu điện thoại này sẽ được cung cấp từ các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Đơn vị cung cấp dịch vụ cần xây dựng mới hệ thống tổng đài vệ tinh tại đây nhằm đáp ứng khoảng 15.000 thuê bao. Các đơn vị chức năng sử dụng các tổng đài để kết nối vào mạng PSTN. Dự kiến xây mới trạm chuyển mạch Sơn Trạch và một trạm dự kiến khoảng 5.000 đến 20.000 lines (NGN).
– Xây dựng tuyến cáp quang kết nối trạm trung tâm Đồng Hới với trạm Sơn Trạch, Phúc Trạch – 16E1 , loại cáp kéo cống chôn ngầm (hào cáp hoặc chôn trực tiếp).
– Tất cả cáp điện thoại khu vực trung tâm được chạy trong hệ thống cống, bể cáp.
– Dịch vụ điện thoại di động sẽ được cung cấp bởi mạng điện thoại di động riêng của các nhà cung cấp dịch vụ.
b) Mạng truyền hình
Đảm bảo cung cấp dịch vụ truyền hình cho cộng đồng sống và làm việc trong khu vực quy hoạch. Nhà cung cấp dịch vụ truyền hình sẽ triển khai hệ thống thu phát tín hiệu thông qua thiết bị của nhà cung cấp hoặc cáp tín hiệu hữu tuyến. Mạng cáp truyền hình sẽ đi trong hệ thống cống bể chung của toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc.
9.6. Quy hoạch thoát nước thải và vệ sinh môi trường:
a) Thoát nước thải:
Hệ thống thoát nước thải được thiết kế là hệ thống riêng hoàn toàn với nước mưa, đảm bảo thoát nước triệt để theo nguyên tắc tự chảy.
– Nước thải từ các công trình trong khu vực quy hoạch được xử lý qua bể tự hoại, bể xử lý sơ bộ xây dựng bên trong các công trình. Sau đó nước thải được dẫn ra các tuyến cống dưới các tuyến đường giao thông trong khu vực. Từ các tuyến đường này nước thải sẽ được tập trung về 02 trạm xử lý nằm ở Phân khu 1 và Phân khu 3. Nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn phát thải dùng để tưới cây, rửa đường và một phần thoát ra sông Son và khe suối.
– Đối với khu vực dân cư bố trí phân tán trong khu vực quy hoạch nước thải được xử lý cục bộ bằng bể lọc sinh học. Nước thải sau khi xử lý cho tự thấm và thoát ra các khe suối gần nhất.
– Trên hệ thống, tại vị trí các đường cống giao nhau và trên các đoạn cống đặt các giếng thăm thuận tiện cho việc đấu nối từ hệ thống thoát nước trong nhà ra hệ thống thoát nước ngoài nhà, cũng như việc quản lý và vận hành hệ thống thoát nước, khoảng cách giữa các giếng thăm đảm bảo theo tiêu chuẩn hiện hành.
– Khu vực quy hoạch được phân làm 02 lưu vực thoát nước thải chính.
+ Lưu vực 1: Nước thải được thu gom theo các tuyến cống D300-D400 và dẫn về trạm xử lý đặt ở phía Nam sông Son (trạm xử lý nước thải Phong Nha 1) công suất 2.500 m3/ngày. Nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn xả ra suối Hà Lời.
+ Lưu vực 2: Nước thải được thu gom theo các tuyến cống D300 và dẫn về trạm xử lý đặt ở phía Bắc sông Son (trạm xử lý nước thải Phong Nha 2), công suất 1.500 m3/ngày. Nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn xả ra kênh đào phía Bắc.
b) Xử lý chất thải:
– Trong toàn đô thị bố trí 02 trạm trung chuyển CTR. Trạm trung chuyển CTR diện tích khoảng 500m2 tại hai bên bờ Bắc, bờ Nam sông Son phục vụ thu gom trước khi chuyển về khu xử lý rác thải chung.
– Để thuận tiện trong thu gom, vận chuyển và tái sử dụng tiến hành phân loại chất thải rắn ngay từ nguồn phát thải. Bố trí thùng chứa tại các vị trí thuận lợi trong các khu ở, khu công cộng, du lịch, hành chính, thể dục thể thao… Số lượng, vị trí các thùng CTR được tính toán theo bán kính phục vụ khoảng 150m/thùng.
– Đối với khu xử lý chất thải rắn ở thôn Phong Nha hiện nay đang chốn lấp cho toàn bộ chất thải rắn xã Sơn Trạch theo quy hoạch quy mô khoảng 2,7ha. Trong giai đoạn trước mắt vẫn tiếp tục sử dụng bãi chôn lấp cho đô thị du lịch Phong Nha, tuy nhiên trong tương lai khu đô thị Du lịch Phong Nha phát triển và nhu cầu đầu tư tại khu vực này theo định hướng của quy hoạch phân khu thì sẽ đóng cửa bãi chôn lấp rác thải này và bố trí một khu xử lý rác thải khác tại vị trí mới nằm ngoài phạm vi khu vực quy hoạch đô thị Du lịch Phong Nha đảm bảo phục vụ thuận lợi cho khu đô thị và khu vực lân cận, hoặc toàn bộ rác thải trong khu đô thị Du lịch Phong Nha sẽ được thu gom về xử lý tại nhà máy phân loại và xử lý rác thải tại xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch.
c) Nghĩa trang:
– Khoanh ranh giới, đóng cửa cải tạo môi trường, tiến hành di dời có lộ trình tới nghĩa trang tập trung đối với nghĩa trang thôn Xuân Sơn, Xuân Tiến.
– Xác định ranh giới, không mở rộng phạm vi chôn cất đối với nghĩa trang thôn Trằm, Mé, Phong Nha đến khi lấp đầy trong giai đoạn nghĩa trang tập trung đô thị du lịch Phong Nha chưa hình thành. Trong tương lai, khi có nghĩa trang tập trung hình thành, các nghĩa trang hiện hữu đang sử dụng sẽ đóng cửa, cải tạo môi trường và có lộ trình di dời, chuyển đổi chức năng phù hợp.
– Để phù hợp với điều kiện phát triển hai bên sông của đô thị Phong Nha, toàn khu vực xây dựng 02 nghĩa trang tập trung tại bờ Bắc và bờ Nam sông Son bao gồm:
+ Nghĩa trang số 1 quy mô 1,0 ha bố trí tại phía Tây Bắc khu vực lập quy hoạch (Phân khu 1), trên tuyến đường Hồ Chí Minh.
+ Nghĩa trang 2 quy mô 1,61 ha bố trí tại phía Đông Nam khu vực lập quy hoạch (Phân khu 6), thuộc thôn Phong Nha.
Nguồn: trang thông tin điện tử sở xây dựng Quảng Bình