Du lịch “cảm hóa” lâm tặc

Thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, ngày trước nổi tiếng với nạn khai thác trầm hương, lâm sản trái phép, săn bắt động vật hoang dã. Du lịch phát triển đã “cảm hóa” những người dân vốn được dán mác “lâm tặc”. Giờ đây, họ là những người tiên phong bảo vệ các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng.

Công nhân Công ty Oxalis Adventure chuẩn bị khuân vác đồ đạc cho khách du lịch đi vào tham quan hang động
Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng

Dân vùng lõi từ bỏ việc phá rừng

Mới sáng sớm nhưng con đường chạy dọc bờ sông Son hướng về đường 20 Quyết Thắng đã nhộn nhịp, khách du lịch ăn sáng, uống cà phê rôm rả trong các hàng quán tấp nập ven sông. Đến tổ dân phố Phong Nha, thị trấn Phong Nha, một tốp người đang khẩn trương sắp xếp những bao tải hàng hóa để bên đường. Tôi dừng xe hỏi thăm thật thà: “Các anh đi khai thác gỗ hay bẫy thú rừng mà đông vậy?”. Cả nhóm cười sảng khoái. “Đội khuân vác hậu cần cho khách du lịch đi vào khám phá động Sơn Đoòng. “Lâm tặc” đã xưa rồi, bây giờ chỉ đi bảo vệ rừng, kéo khách du lịch về đây chơi” – Người đàn ông lớn tuổi mở lời giải đáp sự thắc mắc của tôi.

Người đàn ông đó là Ngô Văn Minh, tổ trưởng tổ khuân vác thuộc Công ty Chua Me Đất (Oxalis Adventure). Ông Minh cũng như nhiều người trong tổ dân phố, trước đây là một tay “lâm tặc” có tiếng tăm cả vùng, vừa khai thác gỗ, vừa đi bẫy thú rừng. Ông Minh nhớ lại ngày trước: “Nhà ở sát rừng, cả nhóm đi vào rừng ở lại nhiều ngày, gặp con thú rừng nào cũng bắt, bán lấy tiền mua gạo, làm thịt ăn… Cán bộ Kiểm lâm đến nhà tuyên truyền không đi phá rừng thì gật đầu đồng ý, mấy ông về trạm, mình lại rủ nhau vào rừng kiếm ăn”.

Sau khi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng, việc phát triển du lịch tham quan hang động và núi rừng Quảng Bình đã hình thành. Riêng tuyến du lịch động Phong Nha đã có gần 700 chiếc thuyền chở khách du lịch, mỗi thuyền có từ 3-5 lao động phục vụ.

“Trong tháng 6 năm nay, khách đi thăm động quá đông, thiếu thuyền vận chuyển. Số người làm dịch vụ “ăn theo” như chụp ảnh, phiên dịch, hướng dẫn viên, bán buôn… cũng lên mấy nghìn người. Dân ở đây đang để tâm vào chuyện kiếm tiền từ du lịch, chẳng ai đoái hoài gì việc vào rừng khai thác lâm sản. Ban ngày đi làm, ban đêm đi học tiếng Anh cấp tốc, cháu nào nói tiếng Anh tốt là dễ kiếm tiền ngay tại quê mình” – ông Phạm Ngọc Sâm, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Hà Lời, thị trấn Phong Nha chia sẻ.

Câu chuyện du lịch đã “cảm hóa” các tay thợ phá rừng có số má ở Phong Nha mang ý nghĩa nhân văn. Ông Nguyễn Châu Á, ở tổ dân phố Phong Nha, sau 30 năm học tập và làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh đã trở về quê khai thác “mỏ vàng” du lịch. Năm 2011, ông Á về quê thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chua Me Đất (Oxalis Adventure) với bao nhiêu khó khăn và trở ngại ban đầu đến nay, công ty đã có hơn 1.000 lao động chuyên trách phục vụ khách du lịch tham quan, khám phá các hang động ở Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

“Một đoàn khách du lịch 10 người đi khám phá động, phải cần tới 30-40 người đi theo phục vụ. Họ là người dân ở thị trấn Phong Nha vốn quen với đi rừng, lội suối, leo trèo núi đá vôi. Ngoài nhiệm vụ dẫn đường, đảm bảo an toàn cho du khách, các thành viên còn có trách nhiệm nhắc nhở du khách bảo vệ môi trường sinh thái, không xả rác vừa bãi, thu dọn rác thải mang ra ngoài tiêu hủy. Đối với đồng bào dân tộc ở bản Đoòng, xã Tân Trạch nằm ở vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, ngày trước chuyên đi phá rừng, công ty đã hỗ trợ, hướng dẫn cả bản tham gia làm du lịch. Người lớn tuổi làm hậu cần bếp núc, thanh niên vào đội quân khuân vác, chèo thuyền. 100% hộ dân trong bản được công ty hỗ trợ xây nhà vệ sinh tự hoại, bà con có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, có nguồn thu nhập cao nên tự giác từ bỏ việc phá rừng” – ông Phạm Khắc Thăng, Giám đốc hành chính, nhân sự Công ty Chua Me Đất nói lên thực trạng.

“Đội đặc nhiệm” trên dòng sông Son

“Dòng sông Son bình thường hiền hòa và thơ mộng, bởi những dãy núi đá vôi cao vút, xen lẫn những thửa ruộng hai bên bờ sông. Lúc trời nổi giông lốc thành luồng gió rất nguy hiểm, đã từng lật thuyền chở khách du lịch làm chết mấy người” – ông Phạm Ngọc Sâm giãi bày.

Thuyền chở khách du lịch trên sông Son vào tham quan động Phong Nha

Ông Sâm làm nhà hàng nổi trên sông Son, kiếm thêm nguồn thu để nuôi đội cứu hộ trên sông do gia đình ông bỏ tiền túi thành lập, đó là Công ty cứu hộ cứu nạn sông Son. Ông Sâm tâm sự: “Năm 2018, tôi bỏ ra trên 400 triệu đồng mua ca nô, dụng cụ cần thiết cho việc lập công ty. Tôi chọn người của 5 thôn có đò du lịch chạy trên sông Son, vận động 18 người có sức khỏe tốt, nhanh nhạy, đưa vào tập huấn cứu hộ, cứu nạn, làm nòng cốt thành “đội đặc nhiệm” trên dòng sông Son. 18 người rải ra 18 thuyền, khi gặp sự cố ở trong động hoặc ngoài cửa động đều có người biết việc kịp thời ứng cứu. Sau đó, họ gọi điện báo tôi biết để điều ca nô chạy đến cứu liền”.

– Anh trên tuổi 60 rồi, liệu có còn sức khỏe để “phản ứng nhanh” đến cứu hộ khi cần thiết? – Tôi hỏi thẳng.

– Ở nhà hàng nổi có đứa con trai làm bếp, coi như “quân thường trực”, lúc sự cố xảy ra, dẹp đồ đạc, bếp núc qua một bên, lên ca nô phóng đi cứu người ngay lập tức. 18 thành viên đội cứu hộ, trước đây họ là dân làm gỗ, đi bẫy thú, các bạn ấy ít nhiều đã quen với những biến cố, dễ xử lý ban đầu.

Mùa lũ nước sông Son dâng lên ngập cả nhà, đội cứu hộ của ông Sâm tỏa đi các thôn, tổ dân phố giúp đỡ người dân đưa đồ đạc lên cao, chở người đến những nhà tầng trú tạm, chuyển người đi bệnh viện cấp cứu.

Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thông tin thêm: “Ông Sâm, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Hà Lời là người gương mẫu, tích cực vận động nhân dân bảo vệ tài nguyên sinh thái. Đội cứu hộ do ông lập ra đã đem lại sự tin tưởng cho mấy trăm chiếc đò chở khách du lịch vào tham quan động Phong Nha”.

“Trước khi vào tham quan động Sơn Đoòng, chúng tôi được các hướng dẫn viên du lịch người địa phương nhắc nhở nhiệm vụ bảo vệ môi trường suốt cả hành trình. Tuyệt đối không được chặt, bẻ cây rừng, mọi rác thải phải được thu gọn để người khuân vác đưa ra ngoài. Từ trải nghiệm thực tiễn, tôi đề nghị những ai vào tham quan hang động ở Phong Nha-Kẻ Bàng, không nên mang nhiều đồ đạc cá nhân, hạn chế đối đa mang chất thải vào rừng. Như vậy là cũng góp phần chung tay gìn giữ môi trường sinh thái cho Di sản thiên nhiên thế giới” – bà Nguyễn Thị Hoài Lan, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ.

theo: Hải Luận – báo Biên Phòng

Bài viết liên quan